Cùng nhìn lại 5 xu hướng truyền thông Marketing nổi bật trong năm 2023

Năm 2023 đã đánh dấu một thời kỳ đầy biến động về kinh tế, đặt ra một loạt thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì và phát triển. Trong bối cảnh ấy, người làm truyền thông Marketing thích nghi với sự thay đổi và luôn phải cập nhật những xu hướng truyền thông tiếp thị mới để nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Dưới đây là 5 xu hướng truyền thông marketing nổi bật trong năm 2023.  

1. Video dạng ngắn (Short-form video)

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra thời gian chú ý của con người đã giảm từ 12 giây xuống 8,25 giây. Do lượng thông tin ngày càng nhiều và trở nên bão hoà, khả năng chú ý của con người khi va chạm với thông tin ngày càng giảm. Người xem có xu hướng lựa chọn những dạng nội dung ngắn, sinh động để tiếp cận. Xu hướng tạo video ngắn xuất hiện trên các nền tảng như Tiktok, Reels, Youtube Shorts ra đời đáp ứng được thị hiếu của công chúng hiện nay. 

Nguồn: Clever Group

Một báo cáo của HubSpot Blog năm 2023 cũng chỉ ra mức độ hiệu quả trong việc truyền tải thông tin của thương hiệu thông qua video ngắn là vô cùng ấn tượng. Cụ thể khi xem xét tỷ lệ thời gian mà người xem dành cho video ngắn, hầu hết mọi video ngắn đều được xem đến 40% thời lượng. Trong đó, 59% người xem trong khoảng 41-80% của thời lượng video, trong khi 30% còn lại có tỷ lệ xem trung bình trên 81%. 

2. Tiếp thị người ảnh hưởng (Influencer Maketing) 

Influencer marketing là việc một thương hiệu hợp tác với người ảnh hướng (influencer) để tiếp thị sản phẩm/dịch vụ của mình. Như một lẽ tự nhiên, người tiêu dùng có xu hướng tin vào các đề xuất từ bên thứ ba hơn là từ chính thương hiệu hay doanh nghiệp. Các Influencer ngày nay đang tác động nhiều hơn đến hành vi người tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thương hiệu với khách hàng mục tiêu. Một khảo sát của HubSpot về xu hướng người tiêu dùng năm 2023 cho biết: 33% Gen Z đã mua sản phẩm dựa trên đề xuất của người có ảnh hưởng, và khi đưa ra quyết định mua hàng, đề xuất của người có ảnh hưởng sẽ tác động lớn hơn nhận xét từ bạn bè và gia đình. 

Lượng tìm kiếm cho từ khóa luôn ở mức cao cho thấy sức nóng của hình thức Marketing này (Nguồn: Google Trends)

Đặc biệt, theo một nghiên cứu của Buzzmetric, năm 2023 đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các Influencer trên nhiều nền tảng khác nhau. Trong đó, Tiktok đã trở thành nền tảng dẫn đầu với hơn 25 nghìn Influencers mới gia nhập vào năm 2023.

3. Thương mại xã hội (Social Commerce) 

Social Commerce là việc sử dụng các trang mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok,… làm phương tiện để quảng bá và bán sản phẩm/ dịch vụ trực tiếp. Hiểu đơn giản, đây là hình thức thương mại kết hợp giữa Social Media (Mạng xã hội) và e-Commerce (Thương mại điện tử). 

Điểm mấu chốt ở đây là cơ hội mà Social Commerce mang lại cho các thương hiệu để tạo ra những trải nghiệm thương mại đồng nhất và trực tiếp trong các kênh mạng xã hội. Thay vì chuyển hướng người dùng sang nơi khác (ví dụ đến website hay nền tảng bán hàng), người dùng có thể thường xuyên xem xét và mua hàng ngay tại kênh mạng xã hội đó. Giá cả (54%) và trải nghiệm mua sắm (49%) là những yếu tố thúc đẩy khách hàng ngày càng ưa thích trải nghiệm mua sắm trên mạng xã hội. 72% người tiêu dùng yêu thích sử dụng social commerce vì sự “thuận tiện” trong mua hàng. 

Theo báo cáo mới nhất của Facebook, thị trường Social Commerce tại Việt Nam năm 2018 đã đạt đến con số 5.9 tỷ USD, với hơn 58 triệu người dùng có ít nhất một tài khoản mạng xã hội. Cũng theo Google & Teamspeak, thị trường Ecommerce Việt Nam dù vẫn giữ đà tăng trưởng 30% mỗi năm nhưng mới chỉ đạt quy mô gần 3 tỷ USD. 

4. Sử dụng mạng xã hội như công cụ tìm kiếm (Social Search)

Một xu hướng quan trọng khác trong năm 2023 chính là “Social Search” khi việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như một công cụ tìm kiếm đang dần tăng lên. Thế hệ trẻ có độ tuổi từ 16 đến 24 đang dần chuyển sang sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm thay vì dùng công cụ truyền thống như Google. Cụ thể, khi tìm kiếm những thông tin như địa điểm nghỉ dưỡng quần áo, quán ăn, quán cà phê,… có 51% người sử dụng Facebook, Instagram, Tiktok để tìm kiếm. 

Với sự gia tăng của xu hướng sử dụng mạng xã hội để tra cứu thông tin, việc tối ưu hóa nội dung cho các nền tảng mạng xã hội trở nên ngày càng quan trọng với các thương hiệu. Các thương hiệu có thể tối ưu hóa tìm kiếm bằng cách áp dụng các chiến thuật SSO (Single Sign-On) như sử dụng từ khóa và hashtag phù hợp trong các bài đăng, geotagging (gắn thẻ địa lý) và thêm thẻ alt (một thuộc tính HTML được áp dụng cho hình ảnh nhằm cung cấp sự thay thế bằng văn bản cho các công cụ tìm kiếm). Nhờ những phương pháp đó, thương hiệu có thể tận dụng tốt xu hướng “Social Search” trong quảng bá thương hiệu, tiếp cận được một lượng khán giả rộng hơn. 

5. Nhân cách hóa thương hiệu trên mạng xã hội

Trong thời gian gần đây, không khó để bắt gặp các thương hiệu nhân cách hóa bản thân bằng cách dùng fanpage đi like dạo, tương tác và bình luận trên mạng xã hội, tạo sự gần gũi và kích thích sự quan tâm của khách hàng. Sức hấp dẫn nằm ở khả năng đem lại cái nhìn mới mẻ về tính cách của thương hiệu thông qua nền tảng quen thuộc như Facebook. Cách thương hiệu tương tác như một người dùng thông thường trên mạng xã hội bằng bất kỳ một biểu tượng nào hay một vài câu bình luận ngắn cũng có thể khiến công chúng tò mò về thương hiệu và kích thích sự khám phá của họ một cách tự nhiên và hiệu quả. 

Một case study điểm hình cho xu hướng này có thể nhắc tới cuộc tình “tay ba” ấn tượng của Starbucks, MoMo và Highlands trong năm 2022. Các thương hiệu thay phiên nhau đăng tải những nội dung đầy ẩn ý và “thả thính” tương tác qua lại một cách đầy hóm hình. Kết quả, cả ba thương hiệu đã thu hút một lượng tương tác ấn tượng trên bài đăng của họ, tạo ra sự nhận diện cao hơn và nhận được sự yêu thích từ phía người tiêu dùng. 

Nguồn: Buzzmetric

Nguồn tham khảo: 

Tâm Minh