Triển lãm nghệ thuật tương tác “Dó Tầm Vân” là sự kiện do nhóm sinh viên lớp Truyền thông Marketing 41A1 khoa PR ADS tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày 21/04/2024 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng đặc biệt là các bạn trẻ yêu nghệ thuật, văn hóa truyền thống và đạt được những sự thành công ngoài mong đợi.
“Dó Tầm Vân” là sự kiện tôn vinh vẻ đẹp bền bỉ và lịch sử lâu đời của nghề làm giấy dó truyền thống Việt Nam. Thông qua triển lãm, “Dó Tầm Vân” hy vọng sẽ là sợi dây kết nối giá trị của hai thế hệ, đem giấy dó đến gần hơn với người trẻ, để thông qua đó giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Triển lãm tương tác đưa người tham dự hòa mình vào không khí làng giấy Đống Cao – nơi những người nghệ nhân khéo léo, thận trọng cẩn thận từng chút một để có thể tạo nên tờ giấy dó tinh xảo và trường tồn với thời gian.
Đặc biệt, “Dó Tầm Vân” còn mang đến không gian trải nghiệm tương tác tân thời giúp người tham gia có thể tự tay sáng tạo các sản phẩm mỹ thuật thông qua 3 hoạt động chính: vẽ tranh, làm phong thư, làm khuyên tai. Đây là cơ hội để người trẻ Việt Nam tìm hiểu và khám phá nét đẹp độc đáo của loại giấy đặc biệt này, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Sự kiện đã thu hút gần 200 khách tham dự bao gồm cả khách trong nước và quốc tế, nhận được gần 100 feedback của người tham gia trải nghiệm chỉ trong vòng 1 ngày. Không chỉ có vậy, nội dung và quá trình tổ chức cũng nhận được sự tán dương và tham dự của các đơn vị Nhà tài trợ như Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Người sáng lập Magic of Colors, đại diện Nhà tài trợ Diory Nailslab, đơn vị Giấy dó Ngô Đức và Zó Project…. Cùng với đó là nhận được sự tin tưởng, chúc mừng và đồng hành hợp tác của những đơn vị uy tín.
Triển lãm tương tác “Dó Tầm Vân” là hành trình đáng nhớ và công sức của các bạn sinh viên lớp Truyền thông Marketing 41A1 – Khoa PR ADS đã dày công tạo nên. Được biết, đây là bài tập thuộc môn học Tổ chức sự kiện – một trong những bộ môn được các bạn sinh viên rất yêu thích.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tạo nên sự kiện này, bạn Hoàng Linh Chi – Trưởng Ban tổ chức nói rằng: “Ban đầu, chúng em cảm thấy rất lo lắng về vấn đề chuyên môn và ý kiến trái chiều có thể gặp phải khi tự mình tổ chức một sự kiện về văn hóa, truyền thống như vậy. Cùng với đó, vấn đề địa điểm cũng là một thách thức lớn khi không dễ để có được một không gian phù hợp và thoải mái cho khách tham dự”. Bên cạnh đó, bạn cũng bày tỏ: “Chúng em đã rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ từ phía các đơn vị Bảo trợ chuyên môn, từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các Nhà tài trợ để có cơ hội được tạo nên một sự kiện thành công như vậy. Để thể hiện lòng biết ơn của mình, chúng em đã dành hết tâm huyết để tổ chức được một sự kiện thành công”.
Bạn Trần Ngọc Châu Anh – Phó Ban sự kiện cho rằng: “Em nghĩ việc sự kiện được thành công như vậy không hoàn toàn chỉ dựa vào may mắn, là một thành viên của Ban tổ chức, em hiểu được những sự khó khăn phải trải qua và em tin rằng đó là do sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ và không bỏ cuộc của toàn bộ Ban tổ chức chúng em. Có rất nhiều những vất vả phải trải qua nhưng trên tất cả, chúng em luôn đoàn kết và cố gắng hết sức để mang tới một trải nghiệm tốt nhất cho khách tham dự và em tin rằng, khi đó may mắn sẽ mỉm cười với chúng em”.
Người hướng dẫn và đồng hành cùng nhóm kể từ những ngày đầu – Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Yến, giảng viên môn học Tổ chức sự kiện cũng đã tới tham dự tại sự kiện và bày tỏ sự bất ngờ và vui mừng khi các bạn sinh viên có thể tổ chức được tại một địa điểm rất phù hợp và nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình của các Nhà tài trợ. Cô cũng đã dành rất nhiều những lời khen có cánh cho sự kiện và các thành viên của nhóm cũng như chúc nhóm có thể đón tiếp được nhiều khách hàng mới trong ngày tổ chức.
Sự kiện “Dó Tầm Vân” là dấu mốc quan trọng và trải nghiệm đáng nhớ không chỉ đối với khách tham dự khi được khám phá một nét văn hóa Việt mà còn đối với các thành viên của Ban tổ chức – sinh viên Khoa PR ADS khi được tự mình chuẩn bị và mang lại một sự kiện độc đáo.
Linh Chi