Sáng 11/4, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng Học viện Hành chính và Quản trị công phối hợp tổ chức họp báo triển khai “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ năm, năm 2025”.
Tham dự Lễ phát động Cuộc thi, về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có GS, TS. Lê Văn Lợi, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Giám đốc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Học viện; đại diện BCĐ 35 Học viện; đại diện Văn phòng BCĐ 35 Học viện. Về phía Học viện Hành chính và Quản trị công và Học viện Báo chí và Tuyên truyền có các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Ban Giám đốc Học viện, các thành viên BCĐ 35 cùng hơn 400 đại biểu và sinh viên của hai Học viện. Dự Lễ phát động còn có đại diện một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội; đại diện một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Tại lễ phát động, PGS.TS Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng ban chỉ đạo 35 Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, cuộc thi tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong cung cấp luận cứ khoa học và hình thành nguồn tài liệu tham khảo chất lượng, phục vụ trực tiếp công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thông qua Cuộc thi, tiếp tục phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cả lý luận và thực tiễn, hình thành mạng lưới, mô hình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ lâu dài, bền vững; tiếp tục nâng cao chất lượng các tác phẩm tham dự cuộc thi, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung vào các nội dung mới, các quy định, kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thời gian qua; hình thành nguồn sản phẩm phong phú, có chất lượng, không chỉ trong khuôn khổ cuộc thi mà còn lan tỏa tới các trường đại học và các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân trên địa bàn cả nước”.
Theo Ban Tổ chức, các tác phẩm dự thi cần khơi dậy sự đổi mới sáng tạo của các tác giả, có sự đầu tư, tìm tòi mang tính chuyên sâu trong luận điểm, luận chứng, luận cứ đảm bảo tính thuyết phục, hài hòa lý luận và thực tiễn. Ban Tổ chức khuyến khích lựa chọn đề tài gắn với thực tiễn như: Kết quả thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, xây dựng – chỉnh đốn Đảng, phản bác quan điểm sai trái trên không gian mạng, lan tỏa giá trị văn hóa cách mạng.
Các nhóm chủ đề trọng tâm theo định hướng cấp Trung ương gồm: Bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lan tỏa đường lối của Đảng, thành tựu 40 năm đổi mới; phản bác luận điệu xuyên tạc; chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tác phẩm dự thi thuộc các thể loại: Báo in, báo điện tử, tạp chí khoa học, phát thanh, truyền hình, video clip. Mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm, mỗi thể loại không quá 1 bài. Tác phẩm phải là sáng tạo mới, chưa công bố, mang tính chính luận, thời sự, lập luận chặt chẽ, ngôn ngữ sắc bén, thể hiện rõ quan điểm và tinh thần đấu tranh.
Quy định hình thức: Báo chí không quá 2.500 từ; video clip tối đa 5 phút; phát thanh, truyền hình tối đa 30 phút/kỳ, không quá 3 kỳ/tác phẩm; bài tạp chí khoa học từ 4.000 – 6.000 từ. Các đơn vị và Chi bộ trực thuộc Học viện tổ chức phát động cuộc thi, thu nhận và thẩm định các bài viết dự thi theo quy định và lập hồ sơ gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Học viện trước ngày 31/5/2025.

Lễ công bố và trao giải cuộc thi được tổ chức ngay sau khi Hội đồng giám khảo hoàn thành công tác chấm thi và Học viện công bố quyết định công nhận giải.