Người hướng nội có phù hợp với ngành quan hệ công chúng? truyền thông?

Bạn là người yêu thích ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng. Bạn mong muốn theo học ngành này. Tuy nhiên, bạn lại chưa rõ bản thân có phù hợp với ngành không. Bài viết sau đây sẽ chỉ ra cách giúp bạn trả lời được câu hỏi đó!

Xác định rằng bạn đã tìm hiểu kỹ về ngành trước khi lựa chọn theo đuổi

Ngành Truyền thông, Quan hệ công chúng là những ngành rất rộng và có nhiều lĩnh vực khác nhau như: làm content, quảng cáo, thiết kế, tổ chức sự kiện,… Rất ít người có khả năng học giỏi hết các mảng này. Vì vậy, hãy chọn thứ mà mình có thể làm được tốt nhất trước, sau đó dần phát triển và học thêm những thứ mới. Ngoài ra, bạn cũng cần xác định rõ đây là ngành học đòi hỏi một khối lượng kiến thức liên ngành lớn và rất nhiều kỹ năng mềm. Vì vậy, việc tìm hiểu kỹ về chuyên ngành ở bước đầu sẽ giúp bạn hiểu ngành hơn, từ đó xác định được mục tiêu, phương hướng rõ ràng hơn và đưa ra quyết định có nên lựa chọn gắn bó với ngành hay không.

Những đặc điểm, tính cách phù hợp với ngành Truyền thông, Quan hệ công chúng

Truyền thông, Quan hệ công chúng là ngành nghề năng động và sáng tạo. Đây là lĩnh vực tiếp xúc nhiều với môi trường xã hội, thông tin đại chúng. Việc người học xác định được những đặc điểm, tính cách của bản thân sẽ giúp bạn tìm kiếm được lĩnh vực, nghề nghiệp phù hợp với mình. Tố chất hay phẩm chất cần cho nghề này rất đa dạng vì do lĩnh vực và phạm vi hoạt động lớn, tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội. Dưới đây là một số đặc điểm cơ bản:

  • Có sự đam mê, nhiệt huyết và một tinh thần ham học hỏi
  • Nắm bắt thông tin nhanh
  • Yêu thích viết lách
  • Sáng tạo, thích đổi mới
  • Quan sát và ứng biến tốt

Ngành truyền thông có dành cho người hướng nội?

Ngành truyền thông thường được gắn với sự năng động cùng tính đổi mới, tính tương tác và kết nối cộng đồng cao. Điều đó có thể khiến nhiều người lầm tưởng rằng người làm truyền thông luôn phải là những người quảng giao, tự tin, giao tiếp tốt, năng nổ hoạt động bên ngoài,… Và từ đó không khó để bắt gặp những câu hỏi như “Người hướng nội thì có nên theo ngành truyền thông?”, “Em ít nói, nhút nhát thì có làm truyền thông được không ạ?”,… Nhưng trên thực tế, người hướng nội chỉ khác người hướng ngoại ở điểm: họ thường nhìn vào bên trong chính mình, xem xét lại suy nghĩ và cảm xúc của bản thân và ít quan tâm đến những sự kiện xã giao. Họ có xu hướng tập trung trong tĩnh lặng, lắng nghe nhiều hơn nói và suy nghĩ kỹ trước khi phát biểu. Chính việc ít nói cũng làm nên một điểm mạnh của người hướng nội. Bởi thay vào đó họ sẽ dành thời gian để quan sát và lắng nghe những gì đang diễn ra. Từ đó hình thành nên óc phân tích, sắp xếp hệ thống và bao quát hóa vấn đề tốt hơn những người khác. Việc biết quan sát và lắng nghe này chính là một phẩm chất cần thiết của những nhà lãnh đạo tiềm năng. Ngoài ra, những người thuộc tuýp hướng nội cũng sẽ biết cách tận dụng hiệu quả thời gian khi ở một mình, có khả năng làm việc độc lập cực tốt và có sự bình tĩnh, biết nghiên cứu và cân nhắc kỹ vấn đề trước khi quyết định. Họ cũng là những người biết tự tìm cảm hứng cho mình, để từ đó cho ra nhiều ý tưởng sáng tạo.

Không những vậy, trong ngành truyền thông, tuỳ vào lĩnh vực bạn theo đuổi là báo chí, quảng cáo, marketing hay PR – có vô vàn loại hình công việc bạn có thể theo đuổi. Có những công việc đòi hỏi bạn phải giao tiếp nhiều như gặp gỡ khách hàng, tổ chức sự kiện – nhưng ở chiều ngược lại, cũng có những công việc cần những chiều sâu và sự tỉ mỉ của người hướng nội, như lập kế hoạch truyền thông, nghiên cứu thông tin và công chúng, xây dựng nội dung cho các ấn phẩm truyền thông, quản trị các kênh truyền thông như báo đài, mạng xã hội…

Như vậy, ý kiến người làm truyền thông phải là những người giỏi giao tiếp đúng nhưng không phải tất cả. Một số vị trí trong ngành truyền thông đòi hỏi những tố chất đó, những vị trí còn lại thì không. Những người ít nói, thường lẳng lặng lắng nghe, quan sát, phân tích, đánh giá vấn đề sẽ phát huy năng lực ở vị trí nghiên cứu, lập kế hoạch truyền thông chiến lược. Những người ít nói nhưng nghĩ nhiều, mỗi lần nói ra điều gì đó đều khiến mọi người ngạc nhiên sẽ là lựa chọn tối ưu cho vị trí sáng tạo nội dung. Chỉ cần bạn có mong muốn được chia sẻ, thấu hiểu và không quá e dè, nhút nhát, bạn hoàn toàn có thể thử sức trong ngành này.