Sinh viên tiêu biểu – Nguyễn Thị Thu Minh

Trong những gương mặt tiêu biểu, xuất sắc và hoạt động tích cực nhất của khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo trong thời gian gần đây đặc biệt phải kể đến chị Nguyễn Minh Thu, lớp Quan hệ công chúng K37. Trong 4 năm đại học, chị đã đạt được những thành tích đáng mong đợi đối với nhiều sinh viên PR-ADs trên nhiều mảng hoạt động.

Chị Minh Thu đã tham gia rất nhiều hoạt động khi còn học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Chị Minh Thu là một sinh viên có “profile hoạt động Đoàn siêu xịn” từ những năm đầu đại học. Chị từng là Phó bí thư Liên chi Đoàn Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Uỷ viên ban chấp hành Đoàn Học viện, Phó chánh Văn phòng Đoàn phụ trách Đối ngoại. Đồng thời, chị cũng tốt nghiệp loại Giỏi ngành Quan hệ công chúng và Quảng cáo, nhiều kỳ học chị đã giành được học bổng và giấy khen Sinh viên giỏi từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Hiện tại chị đang làm cho một công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Tuy nhiên, chị không coi đó là một điểm đáng để phô trương, mà luôn quan niệm rằng chỉ cần chăm chỉ, nỗ lực và nghiêm túc trong học tập thì chúng ta sẽ có thể đạt được thành tích như mong muốn, bên cạnh đó thành tích học tập cũng thể hiện nhiều ở thái độ học tập của bản thân, đánh giá của giảng viên và quan trọng là sự áp dụng kiến thức chuyên ngành đó cho những công việc sau này.

Với một người vừa có thể đạt được những thành tựu nhất định trong hoạt động Đoàn, vừa có thể đạt được thành tích tốt, thì việc cân bằng về thời gian cũng như lượng công việc là điều thiết yếu. Chị cũng chia sẻ thêm, phương pháp cân bằng các yếu tố ấy là tận dụng tối đa tất cả những lợi thế mà mình có. Khi chị hoạt động Đoàn hay một đội nhóm nào đó, chị được tiếp xúc với nhiều người, và bạn bè ở các Khoa khác có thế mạnh hơn chị ở một số môn học mà Khoa PR-ADs không trọng tâm, chị có thể trao đổi học thuật hay tài liệu học tập với họ để trau dồi kiến thức tại nhiều lĩnh vực. Cùng với đó là việc tận dụng thời gian, chị có thể vừa làm nhiệm vụ tại văn phòng Đoàn vừa có thể học tập trong thời gian rảnh rỗi. Đây thật sự là một phương pháp phù hợp và hiệu quả với nhiều bạn sinh viên cũng có lịch trình bận rộn ngoài thời gian lên lớp.


Chị Minh Thu đã tham gia rất nhiều hoạt động khi còn học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, một môi trường năng động với những sinh viên đầy nhiệt huyết, có rất nhiều bạn thắc mắc rằng liệu học tập có nhất thiết phải đi đôi với trải nghiệm thực tế không? Theo chị Minh Thu, không chỉ với sinh viên PR-ADs, mà đối với sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc trải nghiệm thực tế nên được đặt song song với việc học tập trên lớp.

Việc học tập là xây dựng những nền tảng cơ bản, từ đó ta biết được trải nghiệm như thế nào là đúng, và chúng ta cần biết được mục tiêu của trải nghiệm là gì, nó có hỗ trợ cho sở thích cá nhân, cho học tập hay những công việc tương lai của mình hay không? Một khi đã quyết định trải nghiệm thì chúng ta nên nghiêm túc, hết mình và dành thời gian cho trải nghiệm ấy. Tuy nhiên, chúng ta không nên trải nghiệm quá nhiều thứ một lúc khiến mọi thứ đều dở dang bởi quá nhiều trải nghiệm, công việc hay hoạt động có thể khiến mình có áp lực về nhiều mặt như thời gian, tinh thần và trách nhiệm công việc,…

Và có vẻ không ít bạn tò mò về công việc của ngành Quan hệ công chúng và Quảng cáo, những trải nghiệm khi được thực tập hay làm việc tại một công ty truyền thông là thế nào? Admin được biết là chị Minh Thu tốt nghiệp vào tháng 6/2021, trước đó chị có cơ hội được thực tập tại một công ty và có một câu chuyện nhỏ muốn chia sẻ cho các bạn về một sự cố truyền thông. Đó là khi bộ phận truyền thông đã đưa ra một số thông tin dễ gây hiểu nhầm về mô hình hoạt động của công ty trong một bài báo PR. Mặc dù đây chỉ là sự sơ sót nhưng vẫn dẫn tới sự chất vấn của một số đơn vị báo chí khác. Sau đó, Ban Giám đốc đã triệu tập bộ phận truyền thông để đưa ra phương án xử lý. Chị Minh Thu cũng đã có cơ hội được quan sát, lắng nghe và đưa ra một số ý kiến cá nhân cho sự việc đó.

Sau sự cố đó xảy ra, chị đã có ấn tượng sâu sắc và rút ra được một số bài học cho riêng mình về xử lý khủng hoảng truyền thông. Đầu tiên, đó là một sơ xuất nhỏ trong truyền thông cũng có thể dẫn đến những hiểu lầm lớn. Thứ hai, như các thầy, cô khoa PR-ADs đã dạy, sự nhanh chóng và kịp thời luôn là yếu tố quan trọng nhất trong xử lý khủng hoảng truyền thông, chỉ cần chậm một chút thôi thì sự việc có thể đi xa hơn rất nhiều.

Là một người chị đi trước, chị Minh Thu cũng muốn gửi đến các bạn khoá sau của PR-ADs một số chia sẻ:

  • “Thứ nhất, chị nghĩ các em nên coi trọng đến việc học tập của mình, dù đôi lúc các em sẽ cảm thấy những kiến thức này không giống với hoạt động truyền thông đang diễn ra ở các doanh nghiệp, nhưng việc học sẽ rèn luyện cho các em những thói quen tự tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi rất tốt, và những thói quen này sẽ giúp cho các em rất nhiều trong quá trình làm nghề của mình.”
  • “Thứ hai, những kiến thức được học trên lớp, trên trường là thuộc về căn bản, bản chất nên nó sẽ không dễ dàng bị lỗi thời hay thay đổi khi mà mình đi làm, đặc biệt khi mình được trang bị những kiến thức căn bản ấy thì mình sẽ tự tin hơn trong mọi công việc miễn nó thuộc về truyền thông.”

Ngoài ra, chị Minh Thu quan điểm về những trải nghiệm ở thời sinh viên  rằng chúng ta không nên chỉ hướng nó ra ngoài nhà trường mà nên cân bằng các hoạt động trong trường và bên ngoài, vừa có thể hoạt động ở Đoàn hoặc các câu lạc bộ, vừa tìm kiếm những cơ hội việc làm bên ngoài, phạm vi tiếp xúc rộng hơn thì chúng ta mới có cái nhìn toàn diện hơn về nhiều vấn đề. Và chị cũng khẳng định đối với những bạn thiên về trải nghiệm bên ngoài vẫn có thể thu được cho mình rất nhiều kỹ năng khác nhau. Quan trọng là chúng ta có thể cân bằng những yếu tố ấy trong thời gian biểu của mình thì điều đó là tốt nhất.

Điều cuối cùng, chị Minh Thu mong muốn động viên các bạn khoá sau những lúc thấy chán nản, hãy nghĩ rằng chúng ta có thể dành mấy chục năm để đi làm nhưng lại chỉ có 4 năm đại học thôi, vì vậy hãy dành cho 4 năm đó một thái độ trân trọng, vui vẻ và nhiệt huyết nhất có thể!